Diễn biến của sự kiện Sự_kiện_năm_1956_ở_Hungary

Những phát súng đầu tiên

Quốc kỳ Hungary sau khi Quốc huy Hungary năm 1949 đã bị cắt bỏ. Là cờ với một lỗ trống trở thành biểu tượng của cuộc nổi dậy.

Trong buổi chiều ngày 23 tháng 10 năm 1956, gần 20.000 người biểu tình tụ họp gần bức tượng Józef Bem - một người anh hùng dân tộc của Hungary và Ba Lan.[52] Péter Veres, Chủ tịch Hội Nhà văn, đọc một bản tuyên cáo trước đám đông,[53] các sinh viên đọc bản tuyên bố của mình, và sau đó đám đông hát vang bài "Quốc ca" (Nemzeti dal) vốn đã bị cấm, lời bài hát viết:

Chúng ta nguyện thề, chúng ta nguyện thề, chúng ta quyết không chịu kiếp nô lệ nữa.

— Quốc ca

Trong đám đông, một số người cắt bỏ Quốc huy Hungary năm 1949 ra khỏi lá cờ Hungary, để lại một chiếc lỗ trên lá cờ và những người khác nhanh chóng làm theo.[54]Sau đó, hầu hết đám đông vượt sông Danube để gia nhập với đám đông người biểu tình bên ngoài Toà nhà Nghị viện. Tới 6 giờ chiều, đám đông đã lên tới hơn 200.000 người;[55] cuộc biểu tình đầy khí thế, nhưng diễn ra trong hoà bình.[56]

Lúc 8 giờ tối, Bí thư thứ nhất Gerő Ernő phát đi một bài phát biểu lên án các yêu cầu của các nhà văn và sinh viên.[56] Tức giận bởi sự từ chối cứng rắn của Gerő, một số người biểu tình quyết định thực hiện một trong những yêu cầu của họ - phá bỏ bức tượng đồng Stalin được dựng lên năm 1951 bên cạnh một ngôi thánh đường, vốn đã bị phá bỏ để nhường chỗ cho Tượng đài Stalin.[57] Tới 9 giờ 30 phút tối bức tượng đã bị lật đổ và đám đông hân hoan ăn mừng bằng cách đặt lá cờ Hungary lên trên hai chiếc ủng của Stalin, phần còn lại duy nhất của bức tượng.[56]

Cũng khoảng thời gian đó, một đám đông lớn tụ tập tại trụ sở Đài phát thanh Budapest, được lực lượng ÁVH canh phòng cẩn mật. Thời khắc bùng nổ diễn ra khi một phái đoàn tìm cách phát sóng đi các yêu cầu của họ bị bắt giữ và đám đông dần trở nên không thể kiểm soát khi những tin đồn loan đi rằng những người biểu tình đã bị bắn. Hơi cay được phun xuống từ những cửa sổ toà nhà và lực lượng ÁVH nổ súng vào đám đông, nhiều người thiệt mạng.[58] ÁVH định tiếp tế cho lực lượng kẹt trong tòa nhà bằng cách giấu vũ khí trong một chiếc xe cứu thương, nhưng đám đông phát hiện được ý định này và ngăn chặn nó. Các binh lính Hungary được gửi tới giải vây cho ÁVH nhưng họ đã giật bỏ những ngôi sao đỏ trên mũ rồi đứng về phía những người biểu tình.[54][59] Bị kích động bởi cuộc tấn công của ÁVH, những người biểu tình phản ứng một cách bạo lực. Xe cảnh sát bị đốt cháy, súng bị cướp khỏi các đồn quân sự và được phân phát cho đám đông, và những biểu tượng của chế độ cộng sản bị phá huỷ.[60]

Chiến sự lan rộng, chính phủ sụp đổ

Phần còn lại của bức tượng đồng lớn cao 25m của Iosif Vissarionovich Stalin, bị lật đổ trong sự kiện năm 1956 (hiện được trưng bày tại Szoborpark gần Budapest)

Trong đêm ngày 23 tháng 10 năm 1956, Tổng Bí thư Đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa Hungary là Gerő Ernő đã yêu cầu sự can thiệp quân sự của Liên Xô "để dập tắt một cuộc biểu tình đã đạt tới mức độ và tầm vóc chưa từng có."[46] Ban lãnh đạo Liên Xô đã lập ra những kế hoạch bất thường cho việc can thiệp vào Hungary từ nhiều tháng trước đó.[61] Tới 2 giờ sáng ngày 24 tháng 10, theo lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng Georgy Konstantinovich Zhukov, xe tăng Liên Xô tiến vào Budapest.[62]

Ngày 24 tháng 10, các xe tăng Liên Xô đóng bên ngoài toà nhà Nghị viện và các binh sĩ Liên Xô canh gác các cây cầu và ngã tư quan trọng. Những người cách mạng có vũ trang nhanh chóng lập ra các chướng ngại vật để bảo vệ Budapest, và tới giữa buổi sáng đã có thông tin rằng họ đã bắt được một số xe tăng Liên Xô.[54] Ngày hôm đó, Nagy Imre đã thay thế András Hegedűs trở thành Thủ tướng.[63] Trên đài phát thanh, Nagy Imre kêu gọi chấm dứt bạo lực và hứa hẹn đưa ra các cải cách chính trị từng bị xếp xó ba năm trước đó. Dân chúng tiếp tục tự vũ trang và thỉnh thoảng những hành động bạo lực lại diễn ra. Những người biểu tình có vũ trang chiếm đài phát thanh. Tại các văn phòng của tờ báo Cộng sản Szabad Nép những người biểu tình không vũ trang bị cảnh sát bảo vệ ÁVH bắn, nhưng sau đó ÁVH đã bị đẩy lui khi những người biểu tình có vũ trang tới nơi.[64] Ở thời điểm này, sự tức giận của những người biểu tình chủ yếu tập trung vào lực lượng ÁVH;[65] Các đơn vị quân đội Liên Xô vẫn chưa được triển khai đầy đủ, và có nhiều báo cáo về một số binh lính Liên Xô có thiện cảm công khai với những người biểu tình.[66]

Ngày 25 tháng 10, một đám đông người biểu tình tụ tập trước Toà nhà Nghị viện. Các đơn vị ÁVH bắt đầu bắn vào đám đông từ các tầng thượng các toà nhà xung quanh.[67][68] Một số binh sĩ Liên Xô bắn trả vào ÁVH, bởi nhầm lẫn rằng họ là mục tiêu của những loạt đạn.[54][69] Được vũ trang bởi vũ khí chiếm được từ ÁVH hay từ các binh sĩ Hungary gia nhập cuộc nổi dậy, một số người trong đám đông bắt đầu bắn trả lại.[54][67]

Những cuộc tấn công vào Nghị viện đã dẫn tới sự sụp đổ của chính phủ.[70] Bí thư nhất của Đảng Gerő Ernő và cựu Thủ tướng András Hegedűs bỏ chạy sang Liên Xô. Erno Gero đã đưa Nagy Imre quay lại nắm vị trí lãnh đạo trong chính quyền Hungary.[38] Nagy Imre trở thành Thủ tướng còn Kádár János thì trở thành Bí thư thứ nhất của Đảng Cộng sản.[71] Những người nổi dậy bắt đầu có hành động tấn công mạnh chống lại quân đội Liên Xô và những đơn vị còn lại của ÁVH.

Khi quân nổi dậy Hungary giao chiến với xe tăng Liên Xô bằng chai cháy trên những đường phố chật hẹp của Budapest, các Hội đồng Cách mạng được thành lập trên khắp cả nước, chiếm lấy chính quyền địa phương, và kêu gọi thực hiện tổng đình công. Các biểu tượng của chủ nghĩa cộng sản như sao đỏ và các tượng đài tưởng niệm chiến tranh Xô-Đức bị tháo bỏ, và những cuốn sách về chủ nghĩa Cộng sản bị đốt cháy. Những đội dân quân tự phát nổi lên, như nhóm 400 tay súng do József Dudás chỉ huy, tấn công hay giết hại những người có thiện cảm với Liên bang Xô viết và các thành viên ÁVH.[72] Các đơn vị Liên Xô chủ yếu chiến đấu bên trong Budapest; những nơi khác trong nước khá yên tĩnh. Các chỉ huy Liên Xô thường đàm phán những cuộc ngừng bắn địa phương với những người nổi dậy.[73] Ở một số vùng, các lực lượng Liên Xô tìm cách dập tắt cuộc nổi dậy Hungary. Tại Budapest, cuộc giao tranh với binh lính Xô viết cuối cùng cũng ngưng lại và những hành động thù địch bắt đầu giảm đi. Viên tướng người Hungary Béla Király, được trả tự do sau khi bị kết án tù chung thân vì phạm tội chính trị và hoạt động với sự hỗ trợ của chính phủ Imre, tìm cách tái lập trật tự bằng cách thống nhất các nhóm cảnh sát, quân đội và người nổi dậy vào một lực lượng Vệ binh Quốc gia.[74] Một cuộc ngừng bắn được thu xếp ngày 28 tháng 10, và tới ngày 30 tháng 10 hầu hết quân đội Liên Xô đã rút khỏi Budapest về các trại đồn trú ở vùng nông thôn Hungary.[75]

Ngày 1 tháng 11, Nagy Imre tuyên bố Hungary rút khỏi khối Hiệp ước Warsaw và thông qua Liên Hiệp Quốc, kêu gọi các cường quốc, như Anh và Hoa Kỳ, công nhận qui chế trung lập của Hungary.[76] Trong suốt thời gian diễn ra cuộc nổi dậy, Nagy vẫn kiên quyết trung thành với chủ nghĩa Marx, nhưng quan điểm của ông về chủ nghĩa Marx là "một khoa học không thể mãi trì trệ", và ông lên án chủ nghĩa "giáo điều cứng nhắc" bởi "sự độc quyền của những người theo chủ nghĩa Stalin ".[77] Giao tranh rõ ràng đã chấm dứt trong khoảng thời gian từ ngày 28 tháng 10 đến ngày 4 tháng 11, khi nhiều người Hungary tin rằng các đơn vị quân đội Liên Xô đang rút khỏi Hungary.[78] Trong khi đó thì "khoảng trống quyền lực" do các sự kiện trước đó tạo ra lại không được lấp đầy.

Chính phủ Quốc gia Hungary Mới

Sự lan rộng nhanh chóng của cuộc nổi dậy trên đường phố Budapest và sự sụp đổ bất ngờ của chính phủ Gerő-Hegedűs khiến ban lãnh đạo chính phủ mới bị bất ngờ, và ban đầu thiếu tổ chức. Nagy Imre, một người chủ trương cải cách nhưng trung thành với Đảng cộng sản, và từng được nhận xét chỉ có "chút ít khả năng chính trị",[79] ban đầu kêu gọi công chúng bình tĩnh và quay về với trật tự cũ. Tuy vậy, Nagy Imre - cũng chính là lãnh đạo duy nhất còn lại của Hungary được cả công chúng và người Liên Xô công nhận - "cho rằng đó là một cuộc nổi dậy quần chúng chứ không phải là một hành động phản cách mạng".[80] Gọi cuộc nổi dậy đang diễn ra là "một phong trào dân chủ rộng lớn" trong một bài phát biểu trên đài phát thanh ngày 27 tháng 10, Nagy Imre đã thành lập một chính phủ gồm một số bộ trưởng không cộng sản. Chính phủ Quốc gia mới này xoá bỏ cả ÁVH và hệ thống độc đảng.[81][82] Vì cầm quyền có mười ngày, Chính phủ Quốc gia ít có cơ hội giải thích rõ ràng các chính sách của mình. Tuy nhiên, các tổng biên tập báo chí ở thời điểm ấy nhấn mạnh rằng Hungary phải là một nhà nước trung lập, đa đảng phái và dân chủ.[83] Nhiều tù nhân chính trị được thả, đáng chú ý nhất là Hồng y József Mindszenty.[84] Các đảng chính trị từng bị cấm trước đây, như Tiểu chủ Độc lập và Đảng Nông dân Quốc gia, tái xuất hiện và gia nhập liên minh.[85]

Các hội đồng cách mạng địa phương được thành lập trên khắp Hungary,[86] nói chung không có sự tham gia của Chính phủ Quốc gia đã quá nhiều việc tại Budapest, và nhận lấy nhiều trách nhiệm từ chính quyền địa phương từ đảng cộng sản khi ấy đã không còn hoạt động nữa.[87] Tới ngày 30 tháng 10, các hội đồng đó đã được Đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa Hungary chính thức phê chuẩn, và chính phủ Imre yêu cầu sự hỗ trợ của họ như "các tổ chức tự quản, dân chủ địa phương được thành lập trong cuộc Cách mạng".[88] Tương tự, các hội đồng công nhân cũng được thành lập tại các nhà máy và khu mỏ công nghiệp, và nhiều quy định mất lòng dân như các tiêu chuẩn sản xuất bị xoá bỏ. Các hội đồng công nhân cố gắng quản lý doanh nghiệp trong khi vẫn bảo vệ được các quyền lợi của công nhân; vì thế lập ra một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa không bị quản lý cứng nhắc bởi Đảng.[89] Sự quản lý địa phương của các hội đồng không phải luôn luôn không đổ máu; tại Debrecen, Győr, Sopron, Mosonmagyaróvár và các thành phố khác, các đám đông người biểu tình đã bị lực lượng ÁVH bắn, nhiều người thiệt mạng. Lực lượng ÁVH bị giải giáp, thường là bằng vũ lực, trong nhiều trường hợp với sự hỗ trợ của cảnh sát địa phương.[88]

Dự tính của Liên Xô

Ngày 24 tháng 10, Đoàn chủ tịch Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (Bộ chính trị) thảo luận về những vấn đề chính trị đang xảy ra tại Ba Lan và Hungary. Một nhóm cứng rắn do nhà chính trị Vyacheslav Mikhailovich Molotov cầm đầu thúc đẩy can thiệp, nhưng Khrushchyov và Nguyên soái Zhukov ban đầu phản đối. Một phái đoàn tại Budapest thông báo rằng tình hình không nghiêm trọng như đã từng được tường thuật. Khrushchyov nói rằng ông tin rằng yêu cầu can thiệp của Tổng bí thư Đảng Gerő Ernő ngày 23 tháng 10 cho thấy Đảng Hungary vẫn giữ niềm tin vào dân chúng Hungary. Ngoài ra, ông thấy những cuộc phản kháng không phải là một cuộc đấu tranh ý thức hệ, mà là sự bất bình của dân chúng với các vấn đề kinh tế và xã hội cơ bản còn chưa được giải quyết.[46]

Sau một số cuộc tranh luận,[90][91] ngày 30 tháng 10 Đoàn chủ tịch quyết định không lật đổ chính phủ mới của Hungary. Thậm chí Nguyên soái Georgy Konstantinovich Zhukov còn nói: "Chúng ta phải rút quân khỏi Budapest, và nếu cần thiết là rút khỏi toàn bộ Hungary. Đây là một bài học của chúng ta về vùng ảnh hưởng chính trị-quân sự."[92] Họ thông qua một Tuyên bố của Chính phủ Liên Xô về các Nguyên tắc Phát triển và Tăng cường hơn nữa Tình đoàn kết và Hợp tác giữa Liên bang Xô viết và các Nhà nước Xã hội chủ nghĩa khác, được công bố ngày hôm sau. Tài liệu này viết: "Chính phủ Liên Xô đang chuẩn bị bước vào những cuộc đàm phán thích hợp với chính phủ Cộng hoà Nhân dân Hungary và các thành viên khác của Khối hiệp ước Warszawa về vấn đề sự hiện diện của quân đội Liên Xô trên lãnh thổ Hungary."[93] Vì thế trong một thời gian ngắn có vẻ sẽ có một giải pháp hoà bình.

Ngày 30 tháng 10, những người phản kháng có vũ trang đã tấn công biệt đội ÁVH bảo vệ các trụ sở của Đảng Công nhân Lao động Hungary tại Budapest ở Köztársaság tér (Quảng trường Cộng hoà), do bị kích động bởi những lời đồn đại rằng các tù nhân đang bị giữ ở đó, và bởi những vụ bắn súng vào người biểu tình bởi ÁVH tại thành phố Mosonmagyaróvár.[88][94][95] Hơn 20 sĩ quan AVH bị giết, một số người bị quần chúng đánh chết. Xe tăng của quân đội Hungary được gửi tới giải cứu các trụ sở đảng đã bắn nhầm vào toà nhà.[95] Lãnh đạo uỷ ban đảng Budapest, Imre Mező, bị thương và chết sau đó.[96][97] Những hình ảnh từ Quảng trường Cộng hoà được phát đi trên chương trình tin tức Liên Xô vài giờ sau đó.[98] Các lãnh đạo nổi dậy ở Hungary lên án vụ việc và kêu gọi bình tĩnh, và cuộc bạo lực quần chúng nhanh chóng chấm dứt,[99] nhưng các hình ảnh của các nạn nhân tuy thế đã được nhiều tổ chức Cộng sản sử dụng để tuyên truyền.[97]

Vào ngày 31 tháng 10, các lãnh đạo Liên Xô quyết định đảo ngược quyết định ngày hôm trước của họ. Có sự bất đồng trong giới sử học về việc liệu tuyên bố rời khỏi Khối hiệp ước Warszawa của Hungary có phải là lý do dẫn tới sự can thiệp của Liên bang Xô viết. Những tài liệu về cuộc họp ngày 31 của Đoàn chủ tịch cho thấy quyết định can thiệp quân sự được đưa ra một ngày trước khi Hungary tuyên bố trung lập và rút khỏi Khối hiệp ước Warszawa.[100] Tuy nhiên, một số nhà sử học Nga - không ủng hộ chủ nghĩa cộng sản, cho rằng tuyên bố trung lập của Hungary khiến Kremlin can thiệp vào đây lần thứ hai.[101]

Hai ngày trước đó, ngày 30 tháng 10, khi các đại biểu của Bộ chính trị Liên Xô Anastas MikoyanMikhail Suslov đang ở Budapest, Imre đã gợi ý rằng mục tiêu lâu dài của Hungary là trung lập, và rằng ông hy vọng đàm phán vấn đề này với các lãnh đạo tại Kremlin. Thông tin này đã được Mikoyan và Suslov chuyển tới Moskva.[102][103] Cùng lúc ấy, Khrushchyov đang ở trong khu nhà nghỉ ngoại ô của lãnh đạo Liên Xô tại Kuntsevo, xem xét các ý kiến của ông về Hungary. Một trong những người soạn diễn văn cho ông sau này nói rằng tuyên bố trung lập là một yếu tố quan trọng dẫn tới quyết định ủng hộ can thiệp sau đó của ông.[104] Ngoài ra, một số lãnh đạo cuộc biểu tình Hungary cũng như các sinh viên đã kêu gọi nước họ rút khỏi Khối hiệp ước Warszawa từ trước, điều này có thể ảnh hưởng tới quá trình đưa ra quyết định của Liên Xô.[105]

Nhiều sự kiện quan trọng khác đã làm Đoàn chủ tịch lo lắng và càng củng cố thêm quan điểm can thiệp:[106][107]

  • Những phong trào đồng thời hướng về dân chủ nghị viện đa đảng phái, và một hội đồng dân chủ quốc gia của công nhân, có thể "dẫn tới việc thành lập một nhà nước tư bản." Cả hai phong trào đều thách thức uy thế của Đảng Cộng sản Liên Xô tại Đông Âu và có thể là cả quyền bá chủ của Liên Xô. Với đa số thành viên Đoàn chủ tịch, việc công nhân trực tiếp kiểm soát các hội đồng của họ mà không có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là, theo lời Hannah Arendt, "các Xô viết tự do và hoạt động duy nhất tồn tại ở bất kỳ đâu trên thế giới".[108][109]
  • Đoàn chủ tịch lo ngại phương Tây có thể nhận biết sự yếu kém của Liên Xô nếu họ không xử lý một cách cứng rắn với Hungary. Ngày 29 tháng 10 năm 1956, các lực lượng Israel, Anh và Pháp tấn công Ai Cập. Khrushchyov được cho là đã lưu ý "Chúng ta phải xem lại hành động của mình và không cần phải rút quân khỏi Hungary và Budapest. Chúng ta phải chủ động trong việc khôi phục trật tự ở Hungary. Nếu chúng ta rời khỏi Hungary, đó sẽ là một cơ hội lớn cho những tên đế quốc Mỹ, Anh và Pháp. Chúng sẽ coi đó là sự yếu kém của chúng ta và sẽ tiếp tục gây hấn... Từ Ai Cập sau đó chúng sẽ tới Hungary. Chúng ta không có lựa chọn nào khác."[100]
  • Khrushchyov nói rằng nhiều người trong đảng cộng sản sẽ không thể hiểu được thất bại trong việc sử dụng vũ lực ở Hungary. Việc phi Stalin hoá đã làm những thành phần bảo thủ trong đảng xa lánh, họ lo ngại những mối đe doạ tới ảnh hưởng của Liên Xô ở Đông Âu. Ngày 17 tháng 6 năm 1953, công nhân ở Đông Berlin đã tổ chức một cuộc nổi dậy, yêu cầu chính phủ Cộng hoà Dân chủ Đức từ chức. Cuộc nổi dậy nhanh chóng bị dập tắt bằng vũ lực với sự giúp đỡ của quân đội Liên Xô, với 84 người thiệt mạng và bị thương và 700 người bị bắt.[110] Tháng 6 năm 1956, tại Poznań, Ba Lan, một cuộc nổi dậy của công nhân đã bị các lực lượng an ninh Ba Lan trấn áp với từ 57[111] tới 78[112][113] người chết và dẫn tới việc thành lập một chính phủ ít bị ảnh hưởng của Liên Xô hơn. Ngoài ra, tới cuối tháng 10, tình trạng bất ổn đã xảy ra tại một số khu vực của Liên Xô: các cuộc bất ổn tuy nhỏ, nhưng vẫn không thể chấp nhận được.
  • Sự trung lập của Hungary và việc rút lui khỏi Khối hiệp ước Warszawa sẽ tạo ra một lỗ thủng trong vùng đệm quốc phòng của Liên Xô tại các quốc gia vệ tinh.[114] Người Liên Xô lo ngại một cuộc tấn công từ phương Tây và viêc lập ra một vùng đệm phòng thủ gồm các quốc gia vệ tinh ở Đông Âu là một mục tiêu an ninh chiến lược.

Đoàn chủ tịch quyết định phá vỡ thoả thuận ngừng bắn và trấn áp cuộc nổi dậy tại Hungary.[115] Kế hoạch là tuyên bố một "Chính phủ Cách mạng Lâm thời" dưới quyền Kádár János, người sẽ kêu gọi sự giúp đỡ của Liên Xô để tái lập trật tự. Theo các nhân chứng, Kádár János đã ở Moskva từ đầu tháng 11,[116] và ông đã có liên lạc với đại sứ quán Liên Xô khi còn là một thành viên của chính phủ Imre.[117] Các phái đoàn được gửi tới các chính phủ cộng sản khác tại Đông Âu và Trung Quốc, tìm cách tránh một cuộc xung đột cấp vùng, và những khẩu hiệu tuyên truyền được chuẩn bị để phát đi ngay khi cuộc can thiệp của Liên Xô bắt đầu. Để che đậy những ý định này, các nhà ngoại giao Liên Xô tiến hành đàm phán với chính phủ Imre về việc rút các lực lượng Liên Xô.[100]

Theo một số nguồn tin, nhà lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Mao Trạch Đông đóng vai trò quan trọng trong quyết định trấn áp cuộc nổi dậy tại Hungary của Khrushchyov. Phó chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ đã gây sức ép lên Khrushchyov để gửi quân đội vào dập tắt cuộc nổi dậy bằng vũ lực.[118][119] Mặc dù quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô đã xấu đi trong những năm gần đó, ý kiến của Mao Trạch Đông vẫn có sức nặng lớn với Kremlin, và họ thường liên lạc với nhau trong thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng. Ban đầu Mao Trạch Đông phản đối một cuộc can thiệp thứ hai và thông tin này được chuyển tới cho Khrushchyov ngày 30 tháng 10, trước khi Đoàn chủ tịch họp và quyết định phản đối sự can thiệp.[120] Sau đó Mao Trạch Đông thay đổi quan điểm ủng hộ can thiệp, nhưng theo William Taubman vẫn chưa rõ khi nào và tại sao Khrushchyov biết được điều đó và vì thế liệu nó có ảnh hưởng tới quyết định ngày 31 tháng 10 của ông không.[121]

Ngày 1 tháng 11 đến 3 tháng 11, lãnh tụ Khrushchyov rời thành phố Moskva để gặp các đồng minh Đông Âu và thông báo với họ về quyết định can thiệp. Tại cuộc họp đầu tiên, ông gặp Władysław GomułkaBrest. Sau đó ông có các cuộc trao đổi với các nhà lãnh đạo Romania, Tiệp Khắc và Bulgaria tại Bucharest. Cuối cùng Khrushchyov bay cùng G. M. Malenkov tới Nam Tư, nơi họ gặp Tổng thống Josip Broz Tito, khi ấy đang đi nghỉ trên đảo Brioni ở biển Adriatic. Nam Tư cũng thuyết phục Khrushchyov chọn Kádár János thay vì Ferenc Münnich làm lãnh đạo mới tại Hungary.[122][123]

Phản ứng quốc tế

Dwight D. Eisenhower - Tổng thống Hoa Kỳ

Ngoại trưởng Hoa Kỳ đề xuất ngày 24 tháng 10 rằng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nên nhóm họp để thảo luận về tình hình tại Hungary, không có hành động được nào được tiến hành ngay lập tức để đưa ra một giải pháp.[124] Theo lời đề nghị của Nagy Imre ở thời điểm cuộc can thiệp trên diện rộng lần thứ hai của Liên Xô ngày 4 tháng 11, nghị quyết của Hội đồng bảo an chỉ trích các hành của Liên Hiệp Quốc đã bị Liên Xô phủ quyết. Đại hội đồng, với 50 phiếu thuận, 8 phiếu chống và 15 phiếu trắng, kêu gọi Liên Xô ngừng can thiệp vào Hungary, nhưng chính phủ János mới được lập nên đã từ chối các quan sát viên của Liên Hiệp Quốc.[125]

Tổng thống Hoa Kỳ, Dwight Eisenhower, có trong tay một nghiên cứu chi tiết về cuộc nổi dậy tại Hungary trong đó đề xuất không sử dụng can thiệp quân sự từ Hoa Kỳ,[126] và các cuộc thảo luận chính sách trước đó trong Hội đồng An ninh Quốc gia, tập trung vào việc khuyến khích sự bất mãn trong các quốc gia vệ tinh của Liên Xô chỉ bằng các chính sách kinh tế và tuyên bố chính trị.[127][128] Trong một cuộc phỏng vấn năm 1998, Đại sứ Hungary Jeszenszky Géza đã chỉ trích sự không phản ứng của phương Tây năm 1956, dẫn ra ảnh hưởng của Liên Hiệp Quốc ở thời điểm đó và đưa ra ví dụ việc Liên Hiệp Quốc can thiệp vào Triều Tiên từ năm 1950 đến năm 1953.[129]

Trong cuộc nổi dậy, các chương trình tiếng Hungary của Đài châu Âu Tự do (RFE) đã phát đi những tin tức về tình hình chính trị và quân sự, cũng như kêu gọi người Hungary chiến đấu chống các lực lượng Liên Xô, gồm cả lời tư vấn chiến thuật về các biện pháp kháng chiến. Sau khi quân đội Liên Xô trấn áp quân nổi dậy, Đài châu Âu Tự do bị chỉ trích vì đã lừa dối nhân dân Hungary rằng NATO hay Liên Hiệp Quốc sẽ can thiệp nếu các công dân Hungary tiếp tục kháng cự.[130]

Liên Xô can thiệp ngày 4 tháng 11

Ngày 1 tháng 11, Nagy Imre nhận được các báo cáo rằng các lực lượng Liên Xô đang tiến vào Hungary từ hướng đông và đang tiến tới Budapest.[131] Imre tìm kiếm và nhận được sự đảm bảo từ đại sứ Liên Xô Yuri Vladimirovich Andropov rằng Liên bang Xô viết sẽ không đánh chiếm Hungary, dù Andropov đã biết điều ngược lại. Nội các, với sự đồng thuận của Kádár János, tuyên bố tính trung lập của Hungary, rút khỏi Khối hiệp ước Warszawa, và yêu cầu sự hỗ trợ từ các cơ quan ngoại giao ở Budapest và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc để bảo vệ tính trung lập của Hungary.[132] Đại sứ Andropov được yêu cầu thông báo tới chính phủ ông rằng Hungary sẽ bắt đầu đàm phán ngay lập tức về việc rút các lực lượng Liên Xô.[133][134]

Ngày 3 tháng 11, một đoàn đại biểu Hungary do Bộ trưởng Quốc phòng Pál Maléter dẫn đầu được mời tới dự các cuộc đàm phán về việc rút quân đội Liên Xô tại Bộ tư lệnh Quân đội Liên Xô ở Tököl, gần Budapest. Khoảng nửa đêm hôm đó, tướng Ivan Aleksandrovich Serov, Cục trưởng Cục Đông Âu của Ủy ban An ninh Nhà nước (KGB) ra lệnh bắt giữ phái đoàn Hungary,[135] và ngày hôm sau, quân đội Liên Xô một lần nữa tấn công Budapest.[136]

Cuộc can thiệp lần thứ hai này, có tên hiệu "Chiến dịch gió lốc", được chỉ huy bởi Nguyên soái Ivan Stepanovich Konev.[107][137] Năm sư đoàn Liên Xô đồn trú tại Hungary trước ngày 23 tháng 10 được tăng lên thành 17 sư đoàn.[138] Quân đoàn cơ giới số 8 dưới sự chỉ huy của trung tướng Hamazasp Babadzhanian và Quân đoàn số 38 dưới sự chỉ huy của trung tướng Hadzhi-Umar Mamsurov từ căn cứ quân sự Carpathia bên cạnh được triển khai tới Hungary thực hiện chiến dịch.[139] Một số binh sĩ Liên Xô tin rằng mình được gửi tới Berlin để chiến đấu với quân phát xít Đức.[140] Tới 9:30 tối ngày 3 tháng 11, Quân đội Liên Xô đã bao vây hoàn toàn Budapest.[141]

Lúc 3:00 giờ sáng ngày 4 tháng 11, xe tăng Liên Xô tiến vào Budapest dọc theo bờ phía thành phố Pest của sông Danube thành hai hướng: một ngược đường Soroksári từ phía nam và hướng kia xuôi theo đường Váci từ phía bắc. Vì thế trước khi bất kỳ viên đạn nào được bắn ra, quân Liên Xô đã hoàn toàn cắt đôi thành phố, kiểm soát mọi đầu cầu, và được bảo vệ từ phía sau bởi dòng sông Danube rộng lớn. Các đơn vị thiết giáp tiến vào Buda và vào lúc 4:25 sáng, bắn những phát đạn đầu tiên vào các doanh trại quân đội trên đường Budaõrsi. Ngay sau đó, tiếng đạn pháo và xe tăng Liên Xô nổ ra tại tất cả các quận của Budapest.[141] Chiến dịch Gió lốc gồm tấn công không quân, pháo binh, hoạt động kết hợp xe tăng bộ binh của 17 sư đoàn.[142]Quân đội Hungary kháng cự rời rạc và thiếu phối hợp. Dù một số sĩ quan cao cấp công khai ủng hộ Liên Xô, các chiến sĩ ở mọi cấp bậc hầu hết trung thành với cuộc nổi dậy hoặc là chiến đấu chống lại cuộc tấn công hoặc đảo ngũ. Liên Hiệp Quốc thông báo rằng họ không ghi nhận trường hợp nào các đơn vị quân đội Hungary chiến đấu bên phía Liên Xô.[143]

Lúc 5:20 sáng ngày 4 tháng 11, Nagy Imre phát đi lời khẩn cầu cuối cùng của mình với quốc gia và thế giới, thông báo rằng các lực lượng Liên Xô đang tấn công Budapest và rằng chính phủ vẫn giữ nhiệm sở.[144] Đài phát thanh, Kossuth Rádió Tự do, ngừng phát sóng lúc 8:07 sáng.[145] Một cuộc họp khẩn cấp của Nội các được tổ chức trong toà nhà Nghị viện, nhưng chỉ có ba Bộ trưởng tham gia. Bởi quân đội Liên Xô đã tới chiếm toà nhà, một giải pháp di tản được tiến hành, chỉ còn lại Bộ trưởng Ngoại giao István Bibó làm đại diện cuối cùng của Chính phủ Quốc gia còn ở lại.[146] Trong khi chờ đợi bị bắt, ông viết Vì Tự do và Sự thật, một tuyên bố gây xúc động tới quốc gia và thế giới.

Lúc 6:00 sáng ngày 4 tháng 11,[147] tại thị trấn Szolnok, Kádár János tuyên bố "Chính phủ Cách mạng Công nhân-Nông dân Hungary". Ông tuyên bố:

Chúng ta phải chấm dứt những sự thái quá của các phần tử phản cách mạng. Giờ phút hành động đã tới. Chúng ta đang bảo vệ quyền lợi của những người công nhân và nông dân và những thành tựu của nền dân chủ nhân dân.

— Kadár Janós[148]

Kádár yêu cầu quân đội Liên Xô can thiệp vào tình hình Hungary để cùng ông "giúp đỡ những người dân vô tội, tái thiết lại những gì đã bị phiến quân phá hủy".[9] Cuối buổi chiều hôm đó, Kádár kêu gọi "những chiến sĩ trung thành của lý tưởng đúng đắn của chủ nghĩa xã hội" đứng lên và cầm lấy vũ khí. Tuy nhiên, người Hungary không hưởng ứng lời kêu gọi; cuộc chiến đấu không diễn ra như một cuộc nội chiến chia rẽ từ bên trong, mà theo lời của một bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc, là cuộc chiến của "một đạo quân ngoại bang được trang bị hiện đại với lực lượng vượt trội tiêu diệt một phong trào quốc gia và loại bỏ chính phủ."[149]

Tới 8:00 sáng sự phòng thủ có tổ chức của thành phố chấm dứt khi đài phát thanh bị chiếm, và nhiều người rút lui về các cứ điểm phòng thủ.[150] Những điểm phòng thủ mạnh nhất là hẻm Corvin (Corvin köz), dưới sự chỉ huy của Gergely Pongrátz.[151] Thường dân chịu thiệt hại chính của cuộc chiến đấu, bởi quân đội Liên Xô ít chịu khó phân biệt các mục tiêu quân sự khỏi mục tiêu dân sự.[152] Vì lý do này, xe tăng Liên Xô thường chạy dọc theo các con phố chính bắn bừa bãi vào các toà nhà.[153] Sự kháng cự mạnh mẽ nhất của người Hungary diễn ra trong các khu vực công nghiệp của Budapest, là mục tiêu tấn công dữ dội của không quân và pháo binh Liên Xô.[154] Nhóm kháng chiến cuối cùng kêu gọi ngừng bắn ngày 10 tháng 11. Hơn 2,500 người Hungary và 722 lính Liên Xô đã thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương.[155][156]

Những thông tin về sự kiện từ phía Liên Xô

Những báo cáo của Liên Xô về các sự kiện xung quanh, trong, và sau sự kiện 1956 đáng chú ý khá phù hợp theo cách tường thuật của họ, sau khi cuộc can thiệp thứ hai của Liên Xô đã củng cố cho quan điểm của họ trong các Đảng Cộng sản Quốc tế. Pravda đã xuất bản một bài tường thuật 36 giờ sau khi bạo lực bùng phát, đặt ra tinh thần chung cho các báo cáo tiếp theo và những tường thuật lịch sử của Liên Xô sau này:

  1. Ngày 23 tháng 10, những người xã hội chủ nghĩa Hungary "lương thiện" đã biểu tình chống lại những sai lầm của các chính phủ RákosiGerő.
  2. Những tên phát xít, thân Hitler, phản động, phản cách mạng, được bọn đế quốc phương Tây tài trợ lợi dụng sự bất ổn để dàn dựng một cuộc bạo loạn phản cách mạng.
  3. Những người dân Hungary lương thiện dưới sự lãnh đạo của Nagy Imre kêu gọi các lực lượng Liên Xô (Khối hiệp ước Warszawa) đồn trú tại Hungary giúp đỡ và tái hồi trật tự.
  4. Chính phủ Imre bất lực, để mình bị ảnh hưởng của những kẻ phản cách mạng, suy yếu sau đó tan rã, như đỉnh điểm là việc tuyên bố Hungary rút khỏi Khối hiệp ước Warszawa của Nagy Imre.
  5. Những người yêu nước Hungary dưới sự lãnh đạo của János rời bỏ chính phủ Imre và thành lập một chính phủ của những công nhân và nông dân Hungary lương thiện; chính phủ thật sự của nhân dân này yêu cầu bộ chỉ huy Liên Xô giúp tiêu diệt cuộc phản cách mạng.
  6. Những người yêu nước Hungary với sự giúp đỡ của Liên bang Xô viết, đã đập tan cuộc bạo loạn phản cách mạng.


Báo cáo đầu tiên của Liên Xô xuất hiện 24 giờ sau bản báo cáo đầu tiên của phương Tây. Lời kêu gọi của Imre với Liên hiệp quốc đã không được đề cập. Sau khi Imre bị bắt giữ bên ngoài Đại sứ quán Nam Tư, việc này đã được thông báo. Cũng không có lời giải thích tại sao Imre chuyển từ người yêu nước thành kẻ phản bội.[157] Báo chí Liên Xô thông báo tình hình ở Budapest vẫn yên tĩnh, trong khi báo chí phương Tây thông báo về sự bùng phát của một cuộc khủng hoảng cách mạng trong xã hội Hungary. Theo lời Liên Xô, những người Hungary không bao giờ muốn có một cuộc cách mạng.[158]

Tháng 1 năm 1957, các đại diện của Liên Xô, Bulgaria, Hungary và Romania đã gặp gỡ ở Budapest để xem lại những tiến triển nội bộ tại Hungary từ khi chính phủ mới do Liên Xô bảo trợ được lập nên. Một thông cáo về cuộc gặp "đồng ý kết luận" rằng những người công nhân Hungary, với sự lãnh đạo của chính phủ Kádár János và sự giúp đỡ của quân đội Liên Xô, đã đánh bại những âm mưu "xoá bỏ các thành tựu của chủ nghĩa xã hội của nhân dân Hungary".[159]

Các chính phủ Liên bang Xô viết, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và các nước khác thuộc Khối hiệp ước Warszawa hối thúc Kádár János tiến hành thẩm vấn và xét xử các cựu bộ trưởng trong chính phủ Imre và yêu cầu có biện pháp trừng phạt thích đáng đối với cái mà họ gọi là "bè lũ phản cách mạng".[160][161] Ngoài ra chính phủ Kádár János còn xuất bản một loạt sách trắng (Các lực lượng phản cách mạng trong những sự kiện tháng 10 ở Hungary) với những thông tin về các vụ bạo lực có thực chống lại Đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa Hungary và các thành viên AVH, và những lời thú tội của những người ủng hộ Nagy Imre. Những cuốn sách trắng này đã được in bằng nhiều ngôn ngữ và phân phát tới hầu hết các quốc gia xã hội chủ nghĩa và, tuy dựa trên sự thật, đưa ra sự kiện và tường thuật một cách tô vẽ, nói chung không được ủng hộ bởi các nhà sử học khác phe với Liên Xô.[162]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Sự_kiện_năm_1956_ở_Hungary http://www.isn.ethz.ch/php/documents/collection_wa... http://www.bartleby.com/63/86/186.html http://www.britannica.com/eb/article-219206/social... http://sportsillustrated.cnn.com/events/1996/olymp... http://www.cnn.com/SPECIALS/cold.war/guides/debate... http://www.eurozine.com/articles/2006-10-25-auer-e... http://www.flickr.com/photos/dbforum/sets/72057594... http://www.historicaltextarchive.com/books.php?op=... http://www.historicaltextarchive.com/books.php?op=... http://www.historicaltextarchive.com/books.php?op=...